Một thiết bị lai HDD và SSD sẽ phù hợp cho ai?
Việc SSD có tốc độ cao hơn hẳn nhiều lần so với HDD là điều không lạ lẫm. Nhưng giá thành các chip nhớ flash lại quá cao so với các phiến dĩa từ khiến cho dung lượng SSD không thể cao nếu NSX muốn đưa nó đến tay người tiêu dùng. Ổ cứng lai (hybrid) ra đời như một chọn lựa nối liền các cách biệt đấy.
Tại Mỹ, một SSD 128 GB hiện có giá 130 USD. Tại cùng mức ấy, bạn có thể mua một HDD 3,5" dành cho desktop có dung lượng 2 TB, hoặc một HDD 2,5" cho laptop dung lượng 1 TB. Hai năm trước đây, Seagate rồi theo sau là Samsung lần lượt ra mắt các giải pháp SSD đi kèm với HDD. Ý đồ là vẫn muốn đạt được tốc độ cực đỉnh của SSD đắt tiền song vẫn có được dung lượng lưu trữ cao của HDD phổ thông. Về sau, đến lượt Toshiba rồi Western Digital (WD) cũng ra mắt giải pháp tương tự.
Các ổ lai hoạt động cũng không khác cách mà công nghệ lưu trữ flash hoạt động song song với lưu trữ từ trên các PC cao cấp hiện nay lắm. Những hệ thống đấy có một SSD dung lượng nhỏ, gắn rời và chứa hệ điều hành cùng các dữ liệu thường dùng, được trợ lực bởi một hay nhiều ổ cơ truyền thống để chứa các dữ liệu ít được truy cập hoặc các bộ sưu tập tài liệu kích thước lớn.
Cũng dựa trên nguyên lý ấy, nhưng ổ lai kết hợp hai thiết bị độc lập trên làm một ổ chứa duy nhất. Và ngược với hai ổ độc lập vốn chứa dữ liệu theo tuỳ chọn của người dùng, ổ lai dựa trên các thuật toán "bộ đệm" (caching) do firmware của thiết bị điều khiển. Nó sẽ tính toán xem phần dữ liệu nào nên nằm trên phần flash và phần nào nằm trên các đĩa từ.
Vì dựa trên firmware, nên với bản thân hệ điều hành, ổ lai xuất hiện như một ổ chứa duy nhất mà phần SSD đóng vai trò là một bộ đệm cực lớn. Do bộ nhớ flash không cần điện để duy trì dữ liệu, nên sau khi tắt máy thì những gì được ghi nên phần flash vẫn giữ nguyên chứ không giống bộ đệm DRAM.
Hiện có một số giải pháp lai trên thị trường song phổ biến là phiên bản 2,5" dành cho laptop của Seagate - Momentus XT SSHD. Seagate gọi thuật toán bộ đệm của mình với cái tên Adaptive Memory. Gần đây Toshiba và WD cũng công bố các bản mỏng hơn với bề dày 7 mm, dành riêng cho ultrabook. Chúng có thể cũng dùng thuật toán bộ đệm, song cũng có thể là hai ổ độc lập trong một đóng gói vật lý duy nhất.
Lại nói ở thuật toán bộ đệm, nó sẽ theo dõi các file mà bạn tải nhiều lần nhất (ví như hệ điều hành, các ứng dụng, bản nhạc thường nghe) rồi copy chúng lên phần nhớ flash của ổ lai. Nhờ vậy mà việc nạp các file ấy lên bộ nhớ RAM sẽ nhanh hơn nhiều. Bù lại có một vấn đề ở đây là trong lần đầu tiên sử dụng các ổ lai này, bạn sẽ không thấy được hiệu quả mà chỉ theo thời gian, tốc độ mới dần cải thiện.
Trong kiểm nghiệm của PCWorld bằng WorldBench 7, chúng ta có thể thấy một ổ lai sẽ hơn gì một HDD thông thường và như thế nào với một SSD xịn. Ổ lai là chiếc Momentus XT 750 GB có bộ đệm flash 8 GB, HDD thường là một ổ Seagate 500 GB và SSD xịn là Mercury Extreme 6G 240 GB của OWC.
PCWorld chạy kiểm nghiệm 6 lần nhằm giúp firmware "làm quen" với ứng dụng. Sau 6 lần đấy, thời gian khởi động máy của ổ lai giảm từ 35 xuống 31 giây, còn điểm WorldBench tăng từ 112 lên 116. Nghe có vẻ không nhiều, tuy vậy bạn chú ý là điểm số này cao hơn hẳn điểm chiếc HDD thường. Ngoài ra tốc độ boot của chiếc HDD thường không cải thiện, chỉ trừ điểm WorldBench tăng 4%, có lẽ do cơ chế prefetch có sẵn trong Windows 7.
Cần nói thêm WorldBench không đo thời gian nạp dữ liệu, mà chỉ đo hiệu năng của ứng dụng. Chi tiết này cho thấy ở chừng mực nào đó, tốc độ nạp file nhanh hơn cũng có thể cho hiệu năng cao hơn. Ngoài ra đừng quên rằng ổ lai chỉ là giải pháp bắc cầu, thực tế cỗ máy dùng SSD thuần cho điểm số cao hơn đến 40%.
Như vậy đầu tư vào ổ lai, thế nào cho phù hợp? Tuỳ thuộc vào túi tiền và loại máy mà bạn dùng. Hiện tại Mỹ, một HDD 2,5" 750 GB có giá 80 USD, một ổ lai Momentus XT SSHD 750 GB là 130 USD, và một chiếc SSD 128 GB cũng khoảng ngần ấy. Căn cứ vào đấy, có thể thấy ổ lai sẽ phù hợp cho laptop, nơi mà không gian vật lý cho một thiết bị lưu trữ rất hạn hẹp trong khi bạn muốn có tốc độ cao lẫn dung lượng lớn.
Còn tới desktop, một thùng máy thường có ít nhất 2 - 3 khoang gắn HDD. Một mainboard trung bình cũng có 4 - 6 cổng SATA. Nên tuỳ chọn một SSD gắn rời chạy song song với một hay vài HDD sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra kể cả với laptop, nếu bạn đã có HDD di động gắn ngoài, trang bị SSD làm thiết bị lưu trữ chính cũng không phải ý tồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét